Cảm ơn tháng Bảy

[ad_1]

Ai trót đi xa đi lâu mấy, tới khi trở về Quảng Trị cũng chẳng có chi ngạc nhiên đến nỗi không nhận ra nơi này. Có chăng là những đứa trẻ ngày xưa trẹo hông bồng em mặt mũi lem luốc, chân tay dính đầy đất cát giờ xinh trai đẹp gái, vào phố học hành cũng đỗ đạt và thành tích đâu thua gì người ta.

Mỗi ngày qua, mạng xã hội kéo mọi người gần nhau hơn nên từ vài bài viết, tôi nhận được khá nhiều chia sẻ tâm tình về quê hương. Những con người vì thời cuộc và mưu sinh phải xa quê nghèo để đi gần hết cuộc đời mà vẫn thấy đường đời còn xa ngái. Ai nấy đều mong ước quay về cho gió Lào phả vào rát mặt, dầm dề trong cơn mưa thối đất thối trời, đắm mình giữa quê hương bõ ngậm ngùi thương nhớ.

Nhiều người thường mang nắm đất và nước sông quê để hòa vào dòng Thạch Hãn cho bao người thân nằm dưới được gần hơn với quê mẹ, thì bởi có nơi đâu bằng quê nhà. Bao nhiêu người lần đầu đến đây đều thấy lòng mình chùng xuống bởi vết tích của chiến tranh lưu dấu khắp nơi.

Từ bờ tường loang lổ bom đạn hay nghĩa trang bạt ngàn ngôi mộ bên hàng thông reo đều là minh chứng hùng hồn cho một thời hoa lửa. Những dịa danh được lịch sử nhắc đến nhiều như Thành Cổ, sông Thạch Hãn, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc, Khe Sanh, Đầu Mầu… đều chứa cả niềm tự hào lẫn nỗi đau chẳng bao giờ nguôi nhớ.

Ngày tháng Bảy đi giữa lòng thị xã dễ bắt gặp hình ảnh những người lính già nua mang áo xanh, đội mũ tai bèo, ngực đeo huân chương đứng bên bờ sông, thả bè hoa cho người thiên cổ. Ký ức đã thành bất tử nên bao người tự hứa còn hơi thở là còn trở lại đất này, thắp cho đồng đội nén nhang ấm lòng người ngã xuống.

Chú bảo năm xưa chỉ chiến đấu quanh Cổ Thành chứ chưa vào trận địa vậy mà năm nào cứ dịp tháng Bảy lại được mời lên ti vi kể chuyện tám mốt ngày đêm lịch sử. Chú kể chuyện của đồng đội, những người đã vĩnh viễn nằm lại đất này hoặc đánh đổi một phần máu thịt cho hôm nay, còn chú được nguyên vẹn trở về là một ơn may.

Hình ảnh mệ già cầm khăn lau di ảnh của đứa con ngã xuống vì Tổ quốc bao giờ cũng khiến người ta xót thương và cảm phục. Hình dung giờ này mệ còn lụm đụm bên vườn nhà với đám rau cỏ, đêm về quờ tay tìm chiếc quạt mo cau rồi gãi lưng rột roạt. Đôi lần cất giọng ca vẫn còn ngọt lắm để trêu cô cháu gái “Anh về đừng có ngó lui/ Để em ngó dọi bùi ngùi thêm thương”.

Chú cựu chiến binh cứ nhắc mãi, thời con gái mấy mệ vào rú lên rừng thì hãi lắm, thế mà chẳng biết lấy đâu ra gan dạ để một mình bới cơm lên rừng cho cán bộ, khi bụng mang dạ chửa vẫn nằm tập lăn lê bò trườn trên triền cát nóng rát để được đi du kích. Mệ cười trọ trẹ, mấy o con gái đất này chi chớ gan to dạ vững, có thế mới góp công làm nên lịch sử.

Cứ mỗi tháng Bảy về, Quảng Trị lại đông đúc và chộn rộn hơn ngày thường. Đường về bờ Bắc bến thả hoa đang được khẩn trương xây mới, để mai mốt qua đó nắng gió mùa này không làm bay bụi.

Bạn bật cười vì vài con đường đất đỏ còn lổn nhổn ổ gà ổ vịt ở quê mình bỗng nhiên có tên tuổi đàng hoàng. Thế mà người dân quanh đó vẫn chưa quen địa chỉ rõ ràng nên chỉ nhà cho khách lạ vẫn loanh quanh nào gần hàng cây, sát bụi tre hay cột điện. Tại bình dị quê mùa quen rồi, sớm ra thấy mình ở phố thì reo hò đâu đó bằng vài ngưỡng mộ nhưng được đôi ngày lại muốn về quê cho coi.

Muốn cảm ơn tháng Bảy, bởi giữa xô bồ của đời sống cùng bao la bận bịu, ta có dịp nhìn lại và trân trọng hơn về quá khứ hào hùng của cha ông. Hơn hết là niềm tự hào tha thiết khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, dẫu không trải qua những năm tháng cùng cực, gian khổ nhưng nhắc mình luôn khắc cốt ghi tâm, biết ơn vô vàn…

Diệu Ái

[ad_2]

— Đăng bởi HH —