Mùa đòng đòng

[ad_1]

Ngày ấy, lũ học trò chúng tôi đều phải cuốc bộ quãng đường gần hai cây số để tới trường. Vào mỗi mùa đòng đòng con đường đi học về trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Chúng tôi thường rẽ tắt con đường chính, men theo những ô ruộng lúa mướt mát, căng đầy. Những ngọn đòng đòng lấp ló bên bờ cỏ như mời gọi, như thôi thúc cái bao tử đang sôi réo vì đói khát của chúng tôi.

Vừa đặt chân tới quãng vắng quen thuộc, lũ chúng tôi bắt đầu hò nhau tút đòng đòng ăn. Đứa nào cũng nhanh tay nhanh mắt chọn cho mình những ngọn đòng đòng xanh non. Một tay tước chiếc lá bọc ngoài, một tay tút nhẹ ngọn đòng đòng nằm e ấp bên trong. Loáng một cái đứa nào đứa nấy đã có trong tay cả một bó đòng đòng. Chúng tôi hào hứng như vừa gặt hái được một vụ mùa bội thu.

Trẻ em vui chơi trên đồng lúa.

Trẻ em vui chơi trên đồng lúa.

Tiếp đến tụi con nít chúng tôi xúm xít ngồi trên bờ cỏ xé chiếc áo lúa mỏng tang lôi ra từng bông lúa trắng nõn, nuột nà trông rất thích mắt. Có đứa tước được ngọn nào thì cho ngay vào miệng nhai chóp chép, có đứa lại thích tước một lượt cho hết rồi mới bắt đầu nhẩn nha. Những bông lúa non ăn nghe rào rạo, ngọt thơm một cách lạ lùng.

Nếu lỡ tay tước phải những ngọn đòng đòng già không ăn được thì chúng tôi góp lại cột thành chùm rồi giữ ở cằm làm râu, bắt chước điệu bộ như ông Tiên, ông Bụt trong truyện cổ tích. Chơi chán bọn con nít tinh quái lại bày trò nhổ cả cây lúa vừa trổ cờ làm thành chiếc kèn thổi te te.

Cứ thế chúng tôi cứ mải mê rong ruổi trên con đường trở về, vừa chạy nhảy tung tăng vừa nghịch dại. Khi cổ họng không còn khô khát và cái bụng không còn sôi réo, những trò chơi cũng không còn hứng thú nữa, chúng tôi chia tay nhau mỗi đứa rảo về mỗi ngả, bỏ lại những xác lúa chỏng chơ trên bờ cỏ. Xa xa những con chim tu huýt vẫn mải miết kêu vang, những sóng lúa dập dờn theo làn gió.

… Đêm ấy, trời đã khuya, tôi học bài xong thì chui vô mùng nằm cạnh mẹ. Cha tôi ở nhà ngoài đằng hắng mấy tiếng rồi cất tiếng hỏi vọng vào:

– Bà hôm nay đi thăm đồng thế nào, lúa đã trỗ hết chưa?

Mẹ tôi trở mình, từng hơi thở nặng nề:

– Mới lác đác thôi, cơ mà đứa nào nó tút đòng đòng ăn mà vứt đầy bờ đầy bãi thế không biết! Làm được hạt lúa sao khó lòng, hết thiên tai, chuột bọ, bây giờ lại đến lượt bọn con nít, không biết con cái nhà ai mà…

Cha tôi ở nhà ngoài chép miệng thở dài, rồi tiếp lời bằng một giọng khàn đặc:

– Người xưa đã bảo rồi còn gì:“Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Có bát cơm nào mà không chan mồ hôi, nước mắt hả bà!

Tôi nghe đến đó thì chột dạ, nằm im thin thít, mắt nhắm chặt vờ như đã ngủ. Nhớ lại những trò nghịch dại của tôi và đám bạn tinh quái trên đường đi học về càng làm tôi day dứt. Người nông dân vất vả, cực nhọc, một nắng hai sương mới làm ra hạt gạo vậy mà tôi đã làm gì thế này? Nếu như biết được trong đám trẻ ấy có đứa con hư này thì cha mẹ tôi sẽ đau lòng biết mấy… Cảm giác lầm lỗi đã làm tôi cả đêm không tài nào chợp mắt được.

Cũng từ lần ấy tôi không bao giờ còn dám mó tay vào những ngọn đòng đòng nữa. Tôi đã biết trân trọng thành quả lao động của bản thân và mọi người, bởi có bát cơm nào mà không chan mồ hôi, nước mắt!

Xuyến Chi

[ad_2]

— Đăng bởi HH —