Mùa xoài kỷ niệm

[ad_1]

Lựa một trái xoài, gọt vỏ, cắt từng lát dài, chấm vào chén nước mắm đường pha sền sệt có thái vài lát ớt rồi đưa lên miệng cắn, một cảm giác bùng nổ trong miệng, chua chua, mặn mặn, ngọt ngọt, the the, giòn giòn, ngon quên cả lối về. Ai lười thì chỉ cần một chén muối tôm là đã đủ xuýt xoa cùng miếng xoài chua. Mùa xoài keo năm nay có sự xuất hiện của “ngôi sao” “xoài lắc”. Xoài được cắt thành từng miếng vuông vừa ăn, đem ướp lạnh, khi ăn thì bỏ vào trong ly rồi rưới hỗn hợp nước mắm nấu với đường, rắc thêm chút muối tôm, vậy là đã có một ly xoài lắc ngon nhức mũi.

Mỗi mùa xoài đến tôi lại nhớ thằng bạn hay khóc nhè hồi thơ bé. Nó là chúa hay thút thít lại còn bẽn lẽn, dễ mắc cỡ. Da nó trắng bóc, tóc để gần chấm vai. Đáng lẽ nó phải là con gái mới đúng. Ngày nào hai đứa cũng nắm tay nhau chơi hết trò nọ tới trò kia. Chơi một chút mà nghe có tiếng khóc thì nhất định là do tôi chọc nó. Ba mẹ nó đi làm xa nên nó ở với ông bà ngoại và các dì. Lâu lâu họ mới về thăm nó một lần nên nó hay buồn lắm. Nhiều khi nó đang chơi ở đầu hè lại nhìn xa xăm vô định, thần người nghĩ ngợi rất lâu, thỉnh thoảng nó còn lén lau nước mắt. Vì nó hiền nên tôi bắt nạt nó suốt nhưng nó không giận, hễ xin phép được là nó lại tót lên chơi với tôi.

Nhà ông ngoại nó có trồng mãng cầu na và xoài, những thứ trái cây được liệt vào hàng hiếm vì cả xóm lúc đó chỉ trồng đúng một thứ là cà phê. Mỗi mùa trái chín, nó lại len lén giấu ông hái đem cho tôi. Năm đó, cây xoài tượng mới bói, chỉ đậu được có ba trái. Nó hái trộm một trái mang làm sính lễ chơi trò cô dâu chú rể. Chơi chán, hai đứa cắt xoài ăn và chảy nước mắt vì chua. Mặt đứa nào đứa nấy nhăn lại, nước miếng tứa ra tới tấp vì không biết rằng xoài tượng nổi tiếng chua thắt lưỡi, khi ăn phải có nước mắm đường đi kèm. Bỏ thì tiếc mà ăn thì chịu không nổi, hai đứa nghĩ ra cách làm gỏi. Đem bằm nhỏ xoài ra, làm chén nước mắm tỏi, thêm lá rau răm, hành khô phi mỡ heo là thành món gỏi ngon tuyệt cú mèo. Hồi đó cái thời thiếu thốn nên quên đi khô sặt hay khô chỉ vàng kèm đậu phộng rang, chỉ nhiêu đó nguyên liệu cũng đủ làm khó hai đứa con nít. Ăn xong hai đứa lại nằm phè ra mé hiên tán dóc đủ thứ trên đời và tự khen nhau về món gỏi, mốt sẽ làm đầu bếp đại tài, không thèm làm giáo viên, bác sĩ nữa. Bẵng đi hai hôm sau cái sự kiện trọng đại thì không thấy nó sang chơi, tôi mò xuống nhà ông nó kiếm nhưng sợ con chó nên chỉ dám lấp ló nơi hàng rào dâm bụt. Tôi cứ gọi mãi “Lâm ơi! Lâm ơi!” mà không thấy nó lú mặt ra, chỉ thấy con chó ngoáy tít đuôi nơi ống chân. Vậy là không sợ con chó nữa nên tôi có thể hiên ngang băng qua khoảng sân vô nhà kiếm nó. Nó nằm thiêm thiếp trên phảng, da tái xanh, trông rất nhợt nhạt. Tôi khều tay nó hỏi khẽ “mày làm sao thế?”. Nó chớp nhẹ mắt rồi mở ra, có vẻ vui khi thấy cô bạn nhà hàng xóm nên uốn người ngồi dậy. “Tớ bị đau bụng. Hôm ăn xoài về tớ tiêu chảy, hôm nay tớ đã đỡ nhưng vẫn mệt do mất nước. Ông tớ bắt nằm đây. Ấy có sao không?”. Nhìn nó bênh thế mà vẫn lo làm tôi thấy áy náy quá. Mấy bữa nay tôi cứ trách trong bụng sao nó không lên chơi làm tôi buồn thúi ruột, không có ai ăn hiếp hết. Tôi vỗ ngực “tao không sao” rồi giục nó nằm xuống. “Mày mau khỏe đi, tao đi về. Sắp tới mùa bông cà phê nở rồi, nhiều ong mật lắm, tao với mày đi bắt ong chơi”. Nó cười, nụ cười hiền queo “tớ khỏe sẽ lên nhà chơi với ấy nhé”. Nhưng chưa kịp tới mùa cà phê thì nó theo ông bà ngoại chuyển nhà đi nơi khác. Tôi buồn ghê lắm. Ngày trước khi đi nó còn cầm lên cho tôi một trái xoài với một cuốn hướng dẫn xếp giấy. Có điều nó cho lần này là xoài cát chu chứ không phải xoài tượng, nó nói xoài này ngọt hơn, tôi ăn không bị ê răng nữa.

Ngày nó đi, tôi chạy theo xe tới khi không còn nhìn được cái tay nó vẫy vẫy sau khung lưới nữa. Nó đi, mang theo cả một tình bạn thuở ấu thơ của tôi. Sau này tôi không còn gặp được đứa bạn nào mà hiền như nó, cũng không có ai mít ướt, mỏng manh như nó. Tôi chỉ ước một lần được gặp lại nó, lúc gặp nhất định tôi sẽ chìa cho nó trái xoài như quà tái ngộ nhưng chắc nó cũng không nhớ nổi tôi đâu, chỉ còn mình tôi nhớ hoài thằng bạn mảnh khảnh, chu đáo năm nào mỗi độ mùa xoài về.

Đông Vũ

[ad_2]

— Đăng bởi HH —